Sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm Quản trị Công ty (corporate governance), và Quản lý Công” (corporate management) là khá phổ biến; và ngay cả ngôn ngữ báo chí hay chủ đề của các diễn đàn hội thảo, nơi có sự tham dự của các chuyên gia, cũng thường hay bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
“Quản trị công ty”, hay “Các nguyên tắc quản trị công ty” (Principles of Corporate Governance) đề cập đến những vấn đề “cao hơn” công tác quản lý điều hành thường nhật của một CEO (giám đốc/ tổng giám đốc) và các cấp quản lý trong công ty, và thường tập trung vào những hoạt động liên quan đến khuôn khổ pháp lý, điều lệ công ty, quyền lợi cổ đông (shareholders) và các bên liên quan (stakeholders), đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vấn đề minh bạch trong hoạt động công ty… Trong khi đó thì quản lý công ty (corporate management) tập trung vào nhiệm vụ quản lý (chiến lược, mô hình, cơ cấu, marketing, thương hiệu, bán hàng, tài chính, kế toán, nguồn nhân lực, sản xuất, cung ứng, quản lý chất lượng…) và hoạt động điều hành hàng ngày (daily operations).
Cần hiểu rằng, cả quản trị lẫn quản lý đều cần đến nguyên tắc (principles), quy tắc (rules), luật lệ, quy chế, phương pháp kiểm soát…., và đều là những công việc mang tính khoa học (science). Trong khi đó thì lãnh đạo (leadership) lại thiên về nghệ thuật (art). Tất nhiên, nhà quản trị hay nhà quản lý đều ít nhiều phải có tố chất lãnh đạo, và phải có nghệ thuật lãnh đạo.
Lãnh đạo là chỉ ra những việc đúng để làm (do the right things), còn quản trị và quản lý là làm đúng cách, đúng phương pháp (do the things right). Quản trị về bản chất là quản lý, nhưng ở tầm vĩ mô hơn, tập trung vào các nguyên tắc, quy tắc, luật lệ, chuẩn mực vận hành, ví dụ các nguyên tắc quản trị công ty (corporate governance principles, thường viết tắt là CGP)…, còn quản lý tập trung vào công tác quản lý (management), điều hành hàng ngày (daily operations).
Trong khi đó, lãnh đạo thì tập trung vào tầm nhìn (vision), định hướng (direction), sức thu hút, ảnh hưởng, nghệ thuật dùng người (đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, đúng nơi…), và dẫn dắt đội ngũ bằng chính đạo đức, uy tín, nhân cách của người lãnh đạo…
CEO STUDYING
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét